Nhà Nơi Trấn Nhỏ
Chợ sáng ở trấn Lũng Thủy nằm bên bờ sông Thừa Minh, trời vừa qua canh năm, người từ khắp các làng, các thôn đã vội vã kéo xe, chèo thuyền hay gánh hàng từ cửa thành đến đây.
Cha Phương đội nón cói, khoác áo tơi đong đưa mái chèo, thuyền ô bồng phá sương mù, chậm rãi đi ra. Trong sương mang theo hơi ẩm, A Hạ ngồi ở trong khoang thuyền, tay cầm lò sưởi tay, từ cửa sổ khép nửa nhìn xem bên ngoài.
Đường sông Minh Nguyệt rất rộng, hai bên là những dãy nhà thủy các, ngẫu nhiên có mấy nhà gần nhau sẽ dựng một cây sào tre dài từ cửa sổ nhỏ bên này bắt sang bên kia, trên đó phơi một tầng quần áo hoa, nước nhỏ giọt xuống phát ra tiếng “tách”, bắn trở lại sông.
Càng đến gần chợ sáng, thuyền đánh cá cũng dần dần nhiều lên, khi đi qua dưới vòm cầu, mái chèo thuyền này có thể va chạm với mái chèo thuyền kia, lúc này bọn họ thường sẽ bắt chuyện, trò chuyện phiếm một lúc.
A Hạ nằm sấp trên cửa sổ, nghe người ngư dân kể sáng nay ông ta đã bắt được những cá gì, ông ta cũng không quan tâm bán được nhiều ít, chỉ cần đổi được vài đồng xu mua một bình rượu trắng, rồi nhờ bà bạn già chiên một đĩa cá nhỏ, rang cho thơm giòn, lại hâm nóng rượu lên.
Cha Phương cười lay mái chèo, trả lời ông ta một câu, “Lão trượng thật biết cách sống.”
Cuộc sống của người dân ở trấn Lũng Thủy, không gì khác ngoài coi sông nước là quê hương, mái tranh là nhà ở, canh cá và cơm gạo là bữa ăn thường ngày.
Một đường đi về phía trước, sương sớm bay lên hòa cùng những áng mây trắng như bụng cá, bóng dáng của chợ sáng cũng dần hiện ra.
Cây liễu hai bên bờ treo đầy những chồi non còn chưa trổ, bên cạnh cầu Mân dựng một cây cột được đánh bóng, trên đó buộc một lá cờ hiệu màu xanh, bị gió thổi bay phấp phới.
A Hạ xách theo giỏ tre nhỏ, cha Phương neo thuyền lại rồi dẫn nàng bước lên bậc thang lên bờ. Ở mép bờ có một tấm ván gỗ cũ màu đen sẫm, trên đó bày một hàng rau chân vịt xanh tươi. Một ông lão mặc áo vải xanh đen có mụn vá dựa vào trên thân cây, con lừa nhỏ được buộc bên cạnh còn muốn thò lại gần ăn rau, bị ông lão đánh cho một cái.
Rau chân vịt vào mùa xuân được mưa phùn xối hết đợt này đến đợt khác, cũng không sợ sương lạnh. Cha Phương dừng chân lại, ngồi xổm xuống chọn lựa, thấy rau quả thực không tồi, liền nói: “Lão trượng, lấy ba bó này.”
Rau chân vịt đã được bó sẵn ở nhà bằng cọng rơm, bán không được giá mấy, một bó chỉ có hai đồng xu, bỏ vào túi phát ra tiếng kêu.
Cha Phương đặt rau chân vịt dựng thẳng trong giỏ tre, A Hạ khẽ nhướng mày, “A cha, rau chân vịt nấu cùng với đậu phụ ạ?”
“Không, làm cho các con món canh rau chân vịt nấu với chả cá, là ta học được từ phụ bếp khác đó,” cha Phương lắc đầu, lại vui vẻ nói: “Buổi tối mời mấy đứa Sơn Nam, Hiểu Xuân đến nhà ăn cơm.”
Hắn ta yêu ai yêu cả đường đi, chỉ cần là mấy đứa trẻ chơi thân với A Hạ, hắn ta đều sẽ nhiệt tình tiếp đãi, mời chúng đến nhà chơi và ăn cơm. Vì cha mẹ Phương hào phóng, nên mười mấy năm qua người của mấy nhà qua lại với nhau giống như thân thích thực sự.
“Được ạ.”
A Hạ gật đầu đồng ý, sau đó đếm đầu ngón tay nói: “Hiểu Xuân thích ăn đậu phụ rán, Sơn Đào thì không kén chọn, đồ không ngon cũng ăn được.”
Nàng lại bổ sung một câu, “Thôi, a cha cứ chặt cho nàng nửa con vịt nước tương đi, nàng thích món này. Còn Sơn Nam thích ăn đồ tươi, làm măng hầm thịt là vừa khéo.”
Dứt lời, nàng còn lắc lắc túi tiền của mình, tiếng đồng xu vang leng keng, “A cha, tiền mua đồ ăn hôm nay để con trả.”
“Được, cho con quản gia.”
Cha Phương cười đến hai má cao ngất, để A Hạ ở phía trước dẫn đường.
Trấn Lũng Thủy ấm lên rất nhanh, mặc dù vẫn chưa thay áo khoác mùa đông sang quần áo mùa xuân, nhưng ngũ cốc trong đất đã ngửi được hơi ấm, sau một đợt mưa xuân, trời vừa nắng lại đã vươn lên cao.
Trên cầu hình vòm có một bà lão rao bán rau tươi, bên hông mang theo một chiếc rổ tre rộng lớn. Bên trong hoặc là ngọn thanh hao xanh non, hoặc là cây mã lan đầu xanh tươi, còn có tỏi dại và rau tề thái xanh mướt.
Người dân trong trấn rất thích những loại rau này, còn được xưng là “đầu xuân tứ dã” (4 loại rau đầu xuân), là hương vị chính tông của mùa xuân, được trời sinh trời dưỡng giữa chốn hoang dã, khi chúng vừa non thì liền hái xuống, chỉ cần luộc qua với nước, cho thêm chút mỡ lợn, tỏi băm và tương giấm là đã ăn rất ngon.
Cha Phương dừng lại trước một nhà bán măng mùa xuân, trong cái sọt lớn là măng tre được đào từ trong núi vào sáng sớm, vừa to vừa chắc, chỉ cần một búp thôi là đủ cho cả nhà ăn.
Hắn ta lại muốn mua hết cả sọt, làm cho người đàn ông bán măng kia lập tức mừng rỡ cười tươi rói, còn tặng kèm luôn cho hắn ta cái sọt cũ đã có phần rách nát.
Cánh tay đang lấy tiền của A Hạ chợt khựng lại, sau đó vẫn thanh toán một đồng bạc, khi người đàn ông kia mang măng được mua lên thuyền, nàng liền hỏi, “A cha, người mua nhiều măng hơi già như vậy làm gì?”
“Làm măng đậu, không phải con thích ăn sao?”
Cha Phương khép cửa khoang thuyền lại, bước ra trả lời nàng.
Măng tre nấu cùng với đậu nành, rồi đem phơi khô, là một món ăn vặt yêu thích của A Hạ, ông nội cũng thích, vì có thể nhắm rượu.
Nàng gật đầu, “Vậy trở về con sẽ lột măng.”
“Thôi đừng, để con lột là lột hết sạch măng luôn quá.”
A Hạ hậm hực, nàng quả thực là chỉ biết ăn thôi.
Chợ sáng đúng vào thời điểm đông đúc, tiệm ăn sáng bên cạnh hơi khói bốc lên nghi ngút, ở phía trước còn có người chuyên môn xách theo một chiếc bếp lò nhỏ để bán trà, trong ngăn tủ bên cạnh có các loại điểm tâm.
Một người đàn ông mặc quần áo ngắn đang khiêng một cây gậy, trên gậy có buộc thân lúa, và rất nhiều que hồ lô ngào đường đỏ rực diễm lệ được cắm vào trong đó.
Lập tức có đứa trẻ chơi xấu không chịu đi, một hai phải bắt cha hắn mua cho hắn một que thì mới đứng dậy.
“A Hạ, con muốn ăn không?”
“Không muốn ăn ạ.”
Cha Phương có chút thất vọng, xách giỏ đi về phía trước, lời nói tràn đầy trêu đùa, “Hồi còn nhỏ con luôn quấn lấy đòi ta mua cho, không mua cũng không quấy, chỉ là sẽ nhìn ta bằng đôi mắt đẫm lệ. Sau đó ta còn cố ý tìm người học, kết quả hiện tại con lại không ăn nữa.”
“A cha làm, con liền ăn.”
A Hạ vội vàng tiếp lời, trong lòng cha Phương rốt cuộc cũng thoải mái, “Chờ thời điểm có sơn tra, ta liền làm cho con.”
Hai người tiếp tục đi dạo về phía trước, đậu phụ ở sạp đậu phụ vừa ra lò, kéo lớp vải mịn ra, nước cốt đậu từ tấm ván gỗ nhỏ giọt xuống, để lộ khối đậu phụ trắng nõn như tuyết.
Cha Phương chỉ lấy nửa cân đậu phụ rán, trước chỗ thuyền đánh cá neo đậu có ngư dân bán cá tươi, cha Phương lại mua một con. Lúc trở về thuyền nhà mình, mặt trời cũng đã ló ra từ đám mây trôi.
Sau khi mang tất cả đồ vật về nhà, mẹ Phương đang ngồi trong sân giặt quần áo, nàng ấy thấy hai người tiến vào, liền bước tới phụ giúp một tay.
Nàng ấy đặt đồ xuống rồi nói với A Hạ: “Hôm nay trời nắng đẹp, con thay chăn màn với ga giường trong phòng mình đi nhé, còn có nhớ mang đệm và gối đầu lên sân thượng phơi.”
A Hạ rửa tay sạch sẽ, thành thành thật thật vâng lời, thay giày rồi đi lên lầu.
Trong phòng nàng không đặt bình phong, bước vào đập vô mắt là tấm rèm màu xanh lơ thêu hoa, phía dưới mép giường có tấm thảm lông màu sắc sặc sỡ, là quà Thịnh Tầm tặng nàng nhân dịp sinh nhật, còn có trên giường là vỏ chăn len lông dê, ga giường bằng lông tơ, đều là do hắn tặng.
Mỗi lần đến sinh nhật A Hạ, hắn đều sẽ tặng rất nhiều đồ vật hữu dụng, là những thứ hắn mua được khi đi cùng thuyền đến các thành trấn khác.
Nàng vừa tháo vừa nghĩ ngợi, suýt nữa đã bị chăn bông trùm kín cả người, chậm rì rì đem chăn, ga và màn giường chất đống lại với nhau, sau đó ôm tấm đệm hoa bồ* lên bước ra ngoài, đi tới đầu lầu hai có bậc thang, hướng lên trên là sân thượng rộng lớn.
Đứng ở đây có thể nhìn thấy những mái ngói đan xen, dãy núi xa xa và những tòa tháp cao vút.
Trên này có rất nhiều giá ba chân làm bằng cây trúc, bên trên gác từng cây gậy trúc, trên đó phơi những chiếc chăn trắng như tuyết. A Hạ vứt đệm hoa bồ của mình lên đấy, đập đập cho phẳng. Sau đó lại lấy chăn bông lau của mình ra, đặt cạnh bên.
Trên mái ngói cũng đang phơi dép cỏ hoa bồ và gối đầu của nàng.
Nàng vỗ vỗ tay, Bánh Gạo di chuyển bằng phần đệm thịt nhẹ nhàng bước theo sau, vừa ngoảnh đầu lại thiếu chút nữa thì nàng giẫm phải cái đuôi của nó. Con mèo kêu meo meo một tiếng, thích ý mà duỗi dài móng vuốt, nằm cuộn tròn ở trên này không chịu rời đi.
A Hạ quyết định không đóng cửa, xỏ giày vào rồi lạch bà lạch bạch quay về, đem toàn bộ vỏ chăn màn đã tháo rời treo ở trên vai và khiêng tất cả xuống.
“Đặt ở kia trước đi, đợi lát nữa ta giúp con giặt.”
Mẹ Phương vỗ vỗ lưng nàng, bảo nàng đừng động tay, A Hạ chỉ biết giặt quần áo cho mình mà thôi.
Rồi lại phân phó nàng, “Đi giúp cha con trông lửa đi.”
A Hạ không nói gì, ngoan ngoãn đi vào nhà bếp, cha Phương đã sớm cắt măng thành lát mỏng, đậu nành cũng đã được ngâm trong nước sôi từ sáng, thả tất cả vào nồi và nấu với lửa vừa cho chín, sau đó nêm thêm một ít muối, nước tương và đường.
Nàng thỉnh thoảng thêm củi cho bếp lò, đặt tay lên đầu lò thấy nóng hừng hực, cha Phương đi qua đi lại, còn sờ soạng chỗ để đồ ăn vặt lấy cho nàng quả hồng khô.
Sau tiết Sương giáng, hắn ta tự mình đi hái quả hồng về làm, lúc phơi gặp trời nắng đẹp, hai mặt quả đều nổi lên sương trắng.
A Hạ thích ăn lớp vỏ ngoài quả hồng được phơi đến khô quắt, xé xuống một miếng, lộ ra phần thịt quả dày, màu hồng cam bên trong, chưa ăn đã biết ngọt, còn có mùi thơm của quả hồng.
Nàng ăn chậm rãi, miệng thì nhai, tay thì ném củi, đợi khi củi càng ít lửa càng cháy to, quả hồng khô trên tay nàng cũng đã được ăn hết.
Măng và đậu trong nồi đậy kín đang sôi sùng sục, tỏa ra một mùi thơm ngào ngạt, tiếng sôi ùng ục không ngừng, A Hạ nghe đến mức muốn ngủ gật, lúc này cha Phương mới bắt đầu đảo để cạn nước, sau đó múc ra trải đều lên chiếc nong tre màu vàng đậm sáng bóng đã được rửa sạch, nóng hôi hổi.
Chồng ba cái nong tre lại, ôm toàn bộ lên sân phơi để phơi.
Bận việc đến nửa trưa, mới nghỉ ngơi chưa được bao lâu, mẹ Phương phơi xong chăn màn, vẫy vẫy tay gọi nàng: “A Hạ, con đi báo cho trong nhà mấy đứa Hiểu Xuân một tiếng.”
“Vâng.”
Nàng từ trên ghế dài đứng dậy, hữu khí vô lực mà đi ra ngoài. Nhà Hiểu Xuân gần nhất, ở cuối phường Minh Nguyệt, nàng một đường đi ngược xuống, ngôi nhà cao nhất chính là nhà nàng ấy.
Hiểu Xuân đang ở trong gian thêu của mình, A Hạ không đi lên, mà chỉ nói chuyện với mẹ Lộ. Khi ra cửa còn được nhét một tay táo xanh, nàng lấy một quả ra lau lau, rồi trực tiếp cắn một ngụm, vừa giòn vừa ngọt.
Đi từ từ đến hẻm Thiên Hà bên phía đối diện sông Minh Nguyệt, tòa nhà của Sơn Nam và Sơn Đào ở đầu hẻm, rẽ qua cầu là có thể nhìn thấy.
Sơn Nam đang ngồi xổm trước cửa nhà đào đất, hắn muốn trồng một vài thứ, Sơn Đào dựa vào tường không nhúc nhích, ngó thấy nàng đi tới, hỏi “Không có việc không lên điện Tam Bảo, nói đi, đến tìm ta chơi hay gì?”
A Hạ móc ra một quả táo xanh ném cho nàng ấy, Sơn Đào nhanh chóng tiếp được. Nàng lại đưa một quả cho Sơn Nam, rồi ngồi xổm xuống xem hắn đang mân mê thứ gì, chờ nuốt xuống miếng táo trong miệng mới đáp lời, “Mời hai người các ngươi buổi tối đến nhà ta ăn cơm, ta và cha ta dậy sớm đi chợ sáng mua một đống thức ăn.”
Nàng huyên thuyên kể một tràng dài, Sơn Nam cười nói: “Biết rồi, sẽ đi mà. Bằng không thật xin lỗi ngươi vừa dậy sớm vừa ra tiền.”
Sơn Đào cười đến ngửa tới ngửa lui, A Hạ bĩu môi, rung rung quần áo của mình, lời cũng đã nói xong, không một chút lưu luyến mà rời đi.
“Ôi, cái đồ hẹp hòi, ngươi lấy mấy cái bánh mang về ăn này.”
Sơn Đào đuổi theo phía sau gọi nàng.
“Đến ăn cơm thì mang theo.”
Đã đi ra ngoài rồi, nàng mới lười quay lại.
Sau khi về đến nhà, nồi thịt hầm măng đã sớm được đun trên bếp, những búp măng nhỏ, non mềm được bổ ra thành khối, thịt muối treo trên cao được lấy xuống, thái thành từng lát mỏng phiếm hồng, rắc thêm ít muối, rót chút rượu Thiệu Hưng vào nồi, phía dưới để than cháy âm ỉ.
Cha Phương nặn chả cá trong tay, sau đó cắt nhỏ rau chân vịt đã được chần qua nước sôi, đổ ra cái sàng để nước nhỏ vào trong bát. Lửa cháy to đến mức khi đổ chút dầu vào nồi, khói bốc lên bốn phía, hắn ta thả một nắm hành lá vào xào cho thơm, rồi thêm nước canh suông.
Bỏ vào vài miếng sò khô và mấy muỗng rượu gia vị, sau khi nước sôi thì lập tức cho rau chân vịt vào, lá xanh nhấp nhô trong nước canh, chả cá và tinh bột là không thể thiếu, nấu đến khi nước canh đặc sệt lại.
Đợi đến khi tất cả các món ăn được bày ra, mọi người mới lục tục ngồi đầy bàn ăn, giữa bàn thắp một ngọn nến, trên đỉnh còn treo hai chiếc đèn lồng, chiếu sáng lấp lánh.
Mấy người Hiểu Xuân đã quen với việc đến Phương gia ăn cơm, vừa vào cửa đã thân thiết chào hỏi, nào là đại ca, Phương di, thái bà, khiến cho một đám trưởng bối vui vẻ, bảo bọn họ ăn nhiều một chút.
“Đây này, ngươi thích ăn vịt nước tương, Hiểu Xuân thích đậu phụ rán, còn Sơn Nam là thịt hầm măng, ta suy nghĩ rất chu đáo phải không?”
A Hạ nói với Sơn Đào, nói xong cũng không đợi nàng ấy đáp lời, vội vàng múc một chén thịt hầm măng.
Sớm đã thèm không chịu nổi, vào đầu mùa xuân măng non mới nhú ra được đào lên, không hề có vị đắng, giòn đến mức khi nhai vang lên tiếng rắc rắc, phần đầu măng đặc biệt non mềm.
Thịt muối khiến măng thấm không ít vị mặn, vị mặn đậm đà, lâu ngày kia hòa quyện với hương thơm thanh mát của măng tươi. Nước canh trong vắt, nổi lên một lớp váng dầu nhàn nhạt, nếm thử một ngụm nước canh, A Hạ liền hiểu ra tại sao mọi người lại xưng nó là ‘nhất xuyết tiên**’. (**Một ngụm tươi)
Cơm trắng ăn không sẽ dễ cảm thấy nhạt nhẽo, lúc này còn gì tuyệt bằng có thể cắn một miếng thịt vịt nước tương được chưng đến mềm rục, sau đó lại gắp một khối đậu phụ rán nhồi đầy thịt băm thấm đẫm nước sốt, cuối cùng là nếm món canh rau chân vịt nấu với chả cá.
Muỗng đầu tiên, nàng còn chưa kịp cảm nhận kỹ hương vị đã trực tiếp nuốt xuống, muỗng thứ hai, nàng ngậm trong miệng một lúc lâu mới chịu nuốt, chả cá mềm mịn, rau chân vịt ngọt thơm, rất ngon miệng.
Trên bàn cơm hôm nay không có ai nói chuyện, chỉ có tiếng bát đũa va chạm vào nhau, ngay cả Bánh Gạo ở dưới gầm bàn cũng đang liếm láp một chậu chả cá và xương cá đã được nấu tốt, ngon đến nỗi nó không thể ngẩng đầu lên.
Ba người ăn đến no căng bụng, tính phụ giúp thì lại bị đuổi ra ngoài, bảo bọn họ tự đi chơi đi.
Ăn no nê nên cũng lười vận động, A Hạ dọn ra một cái lò sưởi, mấy người các nàng liền vây quanh trước bếp lò trò chuyện.
Phía bên dưới, những tia lửa nhỏ nhảy nhót tứ phía, trên bầu trời, một vầng trăng lơ lửng treo cao.
Sơn Đào cầm kẹp gắp than, khảy khảy, “Chẳng biết Tiểu A Thất và Thịnh Tầm ca khi nào mới trở về?”
Hiểu Xuân dựa vào đầu vai A Hạ, đáp lời, “Đi cũng sắp gần một tháng rồi nhỉ.”
“Không biết nữa,” A Hạ ngáp một cái, mắt ươn ướt, “Trước đó nghe bọn họ nói đi ít nhất cũng phải hai tháng.”
Sơn Nam bị giữ ở nhà, không được phép đi theo thuyền, nếu không hắn cũng đã đi cùng rồi, lúc này đang vuốt cằm, im lặng không lên tiếng.
Cũng không biết câu chuyện đến cùng là do ai khơi mào, chỉ hỏi bâng quơ một câu về lúc bọn họ trở về, sau đó lại chuyển sang bàn tán về mấy chuyện náo loạn trong trấn.
Các nàng cũng không muốn nói nhiều, nhưng những chuyện này đã lọt vào tai, nếu không kể cho mọi người cùng nghe, thì chẳng còn thú vị nữa.
“Thật sự, ai u, cũng không biết Tề viên ngoại làm gì mà muốn đánh người, nghe nói xuống tay còn rất nặng.”
“Sao lại là Tề viên ngoại, người ta đi ngang qua còn nói là con trai Thường gia mà.”
“Ta lại nghe là lão trượng kia của Trần gia cơ.”
Ba người một đôi, phát hiện ra câu chuyện sau khi truyền miệng đã biến từ hổ thành chuột, thì nằm bò trên người nhau cười đến run rẩy.
Sơn Đào ôm bụng cười không ngừng được, “Ta, ta lần sau không dám đem mấy chuyện nghe được này kể ra nữa, miễn cho người khác lại thầm chê cười ta.”
“Tin vỉa hè là thứ không thể tin được.”
Sơn Nam nghiêm túc đưa ra một câu tổng kết.
Các nàng cười đủ rồi, lại chuyển sang nói chuyện phiếm, nói xong lời cuối cùng, than trong lò sưởi cũng đã tắt, gió dưới mái hiên thổi qua hành lang, căn phòng nhỏ trở nên im ắng.
Mặt trăng cũng đã chìm vào giấc ngủ.
A Hạ nằm trong chăn bông lau, đệm chăn phơi nắng cả ngày mềm mại xõa tung, nàng cảm thấy cả người như được ánh nắng bao bọc, ban đêm nàng mơ thấy mình biến thành một con mèo, cuộn tròn trong ổ lông xù xù mà phơi nắng.
Chú thích:
1. *Đệm hoa bồ (蒲花褥 /Pú huā rù/), theo mình tìm hiểu hoa bồ là cỏ đuôi mèo, thuộc chi hương bồ.
2. Thứ tự đơn vị tiền tệ: đồng xu < văn < đồng bạc (mình cũng chưa biết mức quy đổi tiền trong truyện nên không thể nêu chính xác.)