Bí Kíp Dưỡng Nhan

Rate this post

5

Bầu không khí nồng nặc mùi máu khiến người ta phải tê dại.

Tôi che miệng, không dám kêu lên, lặng lẽ đi về phía cửa.

Mới bước ra khỏi ngạch cửa, một giọng nói nhẹ nhàng đã ngăn tôi lại.

“Tiểu Uyển, cháu có quay lại không?”

Là giọng của dì út.

Nhưng bây giờ khi nghe, lòng tôi lại rét lạnh.

Tôi lấy hết can đảm quay lại, bắt gặp ánh mắt cười của dì.

Có điều tôi cứ có cảm giác là lạ, hơn nữa dì ấy ở quá gần tôi.

Trong khoảng cách gần như vậy, tôi thấy làn da của dì ấy mềm mại đến nỗi không thể nhìn thấy lỗ chân lông.

Đây thật sự là làn da của một người gần bốn mươi tuổi sao?

“Tiểu Uyển sao thế?”

Tôi hoàn hồn, nhớ lại cảnh tượng kinh hoàng vừa rồi, không dám nói gì thêm.

“Không sao ạ, cháu phải về rồi.”

Giọng nói run rẩy mất kiểm soát nhưng tôi vẫn phải giả vờ bình tĩnh, theo bản năng suy nghĩ không được tin ai vào thời điểm này.

Dì không nói nữa, chỉ nhìn tôi cười.

Tôi cố phớt lờ cơn ớn lạnh sống lưng, vội chạy về nhà.

Đường núi hiểm trở, lúc về đến nhà thì trời đã tối.

Từ xa tôi đã thấy mẹ đang lo lắng chờ trước cửa.

Thấy tôi, hai mắt bà sáng lên: “Con gái, con về rồi.”

Thấy tôi trở về, bà thở phào nhẹ nhõm.

Tôi không hiểu sao bà lại có thái độ này nhưng tôi không để bụng lắm.

Sau khi nhìn quanh, tôi kéo mẹ vào nhà, kể mẹ nghe những gì mình thấy ở trung tâm cứu hộ.

“Mẹ, chúng ta báo cảnh sát đi.”

Mặt mẹ tái nhợt, đôi môi run rẩy.

“Con nói thật không? Con tận mắt chứng kiến à?”

Tôi gật đầu: “Mẹ, báo cảnh sát đi.”

Dứt lời, tôi kéo mẹ đi tìm trưởng làng.

Một tiếng sau, chúng tôi đã lên thị trấn.

Cảnh sát theo chúng tôi lên núi.

Lúc này đã là nửa đêm, trung tâm cứu hộ được ánh trăng bao trùm trông rất kỳ bí.

Cảnh sát gõ cửa một lúc, dì út mới ngái ngủ ra mở cửa.

Mái tóc đen nhanh như thác nước của dì ấy buông xõa sau lưng, dưới ánh trăng mờ ảo, mái tóc ấy đẹp đến kinh người.

Nghe giải thích trình bày mục đích đến, dì út liếc nhìn tôi một cái rồi tránh đường cho chúng tôi vào.

Nhưng kỳ lạ là trung tâm cứu hộ không có gì bất thường cả.

Cảnh sát tìm kiếm khắp nơi nhưng chẳng phát hiện thi thể đứa bé mà tôi nhìn thấy.

Trong lúc bế tắc, dì út bước lên giải quyết vấn đề.

“Có lẽ con bé chỉ đang quậy phá thôi.”

Mẹ kéo tôi ra sau, cười gượng.

Mọi người đều nghĩ đây là một trò hề, nhưng tôi biết không phải.

Cánh tay kia đầy máu.

Không thể không có gì được.

Tôi định lên tiếng thì có ai đó nhẹ nhàng giữ lấy vai tôi.

Tôi quay đầu thì thấy dì đang nhìn mình.

“Tiểu Uyển à, đừng nghịch nữa.”

Cơ thể tôi như bị phong ấn, không dám cử động.

Trên đường về, tôi im lặng cúi đầu mặc cho mẹ mắng.

Đột nhiên tôi dừng lại, nhìn thẳng vào người bố im lặng của mình.

“Bố, con không quậy phá, bố biết mà phải không?”

Bố tôi sững sờ.

Tôi chạy đến gần, nhìn vào mắt ông.

“Có phải bố vừa gọi điện báo tin cho dì không?”

6

Bố tôi vội vàng phủ nhận.

Nhưng đối diện với ánh mắt cương quyết của tôi, cuối cùng ông thở dài.

“Dì của con cũng có nỗi khổ riêng.”

“Nỗi khổ gì mà dì ấy giết một đứa bé?” Tôi hỏi.

“Con nói gì vậy? Dạo gần đây một số đứa bé ở trung tâm cứu hộ mắc bệnh ngoài da không cứu được thôi.”

Bệnh ngoài da?

Thế nguyên nhân khiến cánh tay đứa bé kia đáng sợ như vậy là do mắc bệnh ngoài da?

“Thế sao dì không mời bác sĩ chữa trị? Mọi người mặc kệ chúng ra đi vậy sao?”

Bố tôi lại thở dài: “Đã mời bác sĩ đến chữa trị rồi, nhưng cuối cùng một vài đứa trẻ có triệu chứng nặng vẫn không cứu được.”

“Vậy tại sao lại không nói thật khi cảnh sát tới?”

“Một khi làm lớn chuyện, trung tâm cứu hộ sẽ bị điều tra, nói không chừng trung tâm sẽ mất tư cách nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi. Xung quanh đây không còn chỗ nào nhận nuôi nhiều trẻ sơ sinh như vậy, tới lúc đó chúng sẽ không có nhà để về.”

Hóa ra tôi đã trách nhầm dì út.

Thấy tôi im lặng, bố vỗ vai tôi: “Tiểu Uyển yên tâm, mọi người sẽ cố gắng chữa khỏi bệnh cho những đứa trẻ còn lại.”

7

Tôi gọi điện cho dì xin lỗi vì hành động của mình mà suýt khiến rất nhiều đứa trẻ trở nên vô gia cư.

Dì không trách tôi, chỉ nhẹ nhàng căn dặn sau này có chuyện gì cũng phải nói chuyện với người lớn trước, không được nóng vội.

Sau khi cúp máy, tôi vẫn thấy áy náy nên đi tìm bạn thân.

Thanh Thanh và tôi lớn lên cùng nhau, từ nhỏ chúng tôi đã rất thân.

Kể hết mọi chuyện với cô ấy, tôi cuối cùng cũng thấy thoải mái hơn.

Nhưng có vẻ cô ấy không tập trung cứ như không nghe tôi nói gì cả.

“Cậu sao vậy Thanh Thanh?” Tôi vẫy tay trước mặt cô ấy.

Cô ấy rầu rĩ than: “Mẹ tớ lại có thai rồi.”

Tôi chợt nhớ lâu rồi tôi không gặp mẹ cô ấy.

Nhưng nếu tôi nhớ không lầm thì năm ngoái bà ấy có thai rồi vô tình bị sẩy, sao bây giờ lại có thai?

Tôi đau lòng thay Thanh Thanh.

Cô ấy lớn hơn tôi vào tháng nhưng lại rất gầy, người chẳng có miếng thịt nào.

Tất cả đều do gia đình cô ấy trọng nam khinh nữ.

Trước giờ mọi điều tốt đẹp đều thuộc về anh trai Thanh Thanh, còn bản thân Thanh Thanh thì cứ luôn bị đánh đập mắng mỏ.

Nhưng nhắc đến thì cũng lạ thật.

Gia đình họ đã có một cậu con trai, tại sao mẹ của Thanh Thanh vẫn mặc kệ sức khỏe, tiếp tục mang thai chứ?

Càng nghe Thanh Thanh nói tôi càng bối rối.

“Anh trai tớ sắp lấy vợ, cần rất nhiều tiền. Mẹ tớ nói sinh con chắc chắn sẽ có tiền.”

8

Nhưng trước khi tôi kịp hiểu mối quan hệ giữa việc có con và tiền là gì thì gia đình Thanh Thanh đã xảy ra chuyện.

Xe cấp cứu đến đưa mẹ Thanh Thanh đi.

Nghe nói bà ấy bị ngã khi đang làm việc, chảy rất nhiều máu.

Khi xe cấp cứu đến đón, mẹ của Thanh Thanh vẫn la hét không chịu đi vì sợ tốn tiền.

Hai mắt Thanh Thanh đỏ hoe, ngơ ngác nhìn chiếc xe cứu thương đi xa.

Hai ngày sau, mẹ của Thanh Thanh về.

Trông bà gầy đi hẳn, sắc mặt tái nhợt.

Thanh Thanh nói đứa bé trong bụng bà mất rồi, bác sĩ yêu cầu bà ấy ở lại bệnh viện để theo dõi vài ngày nhưng bà từ chối, khăng khăng đòi về để tiết kiệm tiền.

Sau khi mẹ của Thanh Thanh về, cuộc sống của cô ấy càng trở nên khó khăn, cô ấy phải giặt giũ, nấu ăn, làm ruộng và chịu đựng vô số cơn giận vô cớ.

Mỗi lần gặp Thanh Thanh tôi đều thấy trên người cô ấy toàn vết sẹo.

Hôm ấy mẹ tôi nấu canh tảo bẹ và chân giò, tôi lấy một ít mang đi cho Thanh Thanh.

Nhưng mới tới trước cửa nhà cô ấy, tôi lại nghe cô ấy nói chuyện với ai đó, ngay tức khắc tôi liền nhận ra giọng nói kia.

Đó là dì út của tôi, giọng dì ấy lúc nào cũng nhẹ nhàng và dễ nhận ra như vậy.

Mẹ của Thanh Thanh thều thào nói: “Lần này là tai nạn.”

Tai nạn? Tai nạn gì?

“Tiếc là đứa bé chưa chào đời. Thôi, bà già rồi, đừng tự làm khó mình nữa.”

Mẹ của Thanh Thanh hoảng sợ, lập tức quỳ xuống ôm chân dì van xin: “Làm ơn cho tôi thêm một cơ hội nữa đi, lần này tôi nhất định sẽ sinh được con.”

Dì út mỉm cười, nâng cằm mẹ Thanh Thanh lên: “Cũng được, có điều sức khỏe của chồng bà không tốt, hay là tìm cho bà một thanh niên trai tráng nhé?”

Mẹ của Thanh Thanh nhận lấy ngay: “Cảm ơn cô, cảm ơn cô!”

Tối hôm sau, Thanh Thanh gõ cửa sổ nhà, rủ tôi ra ngoài chơi.

Tôi hơi hoang mang, trước đây cô ấy luôn phải làm việc nhà, không được phép ra ngoài chơi mà.

Thanh Thanh thì thầm: “Mới có một anh đến nhà tớ, bố đuổi tớ ra ngoài chơi.”

Tôi nhớ lại những gì dì út nói tối qua, vội kéo Thanh Thanh chạy về nhà cô ấy.

Từ xa, tôi đã thấy bố của Thanh Thanh đang ngồi xổm trước cửa nhà hút thuốc.

Ánh đèn trong phòng mờ ảo, hình như có bóng người đang chuyển động.

“Thanh Thanh, chúng ta ra bờ sông chơi đi.”

“Được.”

9

Thanh Thanh và tôi đều học trung học trên thị trấn, hai tuần mới về nhà một lần.

Lần này tôi về đúng ngay sinh nhật thứ mười tám của Thanh Thanh.

Nghĩ lại thì tôi cũng gần mười tám rồi.

Nhưng có ai trong chúng tôi ngờ lần này trở về sẽ có thay đổi vô cùng lớn.

Bố mẹ Thanh Thanh nấu cho cô ấy một bữa thịnh soạn, sau đó đưa cô ấy đến nhà một ông già độc thân cùng làn.

Ông già hói đầu năm mươi tuổi với hàm răng vàng khè hôi hám kia lúc nào cũng nhòm ngó phụ nữ.

Bố mẹ Thanh Thanh không có ý định cho Thanh Thanh học tiếp mà muốn cô ấy kết hôn sớm.

Tôi nghe kể ông già kia sẵn sàng trả 80.000 tệ để cưới cô ấy.

Cứ như thế, 80.000 tệ mua hết phần đời còn lại của Thanh Thanh.

Cô ấy khóc lóc bỏ chạy, bàng hoàng ngồi một mình bên bờ sông.

Khi tìm thấy cô ấy, tôi không biết cô ấy đã ngồi đó bao lâu nữa.

“Tiểu Uyển, tớ không thể đến trường nữa, từ giờ cậu phải đi học một mình rồi.”

Giọng nói trong trẻo ấy không còn sự ngây thơ của trước đây mà ẩn chứa nỗi buồn sâu lắng.

Tôi nói ngày mai tôi sẽ đưa cô ấy đi gặp giáo viên, mọi người cùng nhau nghĩ cách.

Nhưng cô ấy lại lắc đầu: “Thôi bỏ đi, tớ không thông minh bằng cậu, cho dù có muốn học tiếp thì cũng không thể thi đậu đại học.”

Dứt lời, cô ấy đứng dậy, vẫy tay chào tôi rồi xoay người bỏ đi.

Sáng sớm hôm sau, tôi quyết định về trường sớm gặp giáo viên để kể rõ tình hình, hy vọng sẽ giúp được Thanh Thanh.

Nhưng tôi chưa kịp ra ngoài thì bố mẹ Thanh Thanh đã tức giận tìm tới, hỏi tôi có biết Thanh Thanh ổ đâu không.

Lúc này tôi mới biết cô ấy đã bỏ nhà đi.

Gia đình cô ấy đã nhận sính lễ của ông già kia nên lo lắng đi tìm cô ấy.

Thực ra tôi biết Thanh Thanh đã đi đâu.

Có lẽ là nhà của Đại Dũng ở làng bên cạnh.

Đại Dũng cùng tuổi với chúng tôi, trước đây chúng tôi cùng học ở trường trên thị trấn, sau này Đại Dũng gặp vài chuyện nên đã bỏ học về nhà.

Thanh Thanh rất thích Đại Dũng, lúc nào cũng muốn tương lai sẽ được gả cho hắn.

Có lẽ cô ấy đã đi tìm Đại Dũng.

Tôi không nói cho ai biết tung tích của Thanh Thanh, chỉ cần cô ấy sống tốt là được.

Thời gian dần trôi, sẽ không còn ai tìm kiếm Thanh Thanh nữa.